Muỗi Aedes hay còn có tên khác là muỗi vằn là loại muỗi ban đầu chủ yếu được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới hay cận nhiệt đới. Tuy nhiên, ngày nay, ngoại trừ Nam Cực thì người ta đều thấy loài muỗi này sinh sống ở các vùng đất khác.
Muỗi vằn trưởng thành có hình dáng đặc trưng với phần chân trắng, vòi đen và những xúc tu có đầu trắng. Lưng giữa muỗi vằn có những vệt trắng như hình đàn lia với 2 sọc ở giữa, nổi lên trên những vệt đen. Cánh của chúng cũng có màu đen.
Trong khi đó, trứng muỗi vằn có màu đen và hình dạng như bóng bầu dục. Ấu trùng loài muỗi này nằm ở góc 45 độ so với mặt nước.
Cũng như vòng đời của loài muỗi, muỗi vằn có 4 giai đoạn trong vòng đời của mình và thời gian để trứng muỗi biến thành muỗi trưởng thành là từ 6 đến 8 ngày.
Không giống như các loại muỗi khác, muỗi vằn lại hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Khoảng thời gian “kiếm ăn” của muỗi vằn tập trung vào sáng sớm, khoảng 2 giờ trước khi mặt trời mọc và buổi chiều tối, vài giờ trước khi mặt trời lặn.
Bên cạnh đó, loài muỗi vằn còn ưa thích màu tối như màu đen, đỏ. Muỗi vằn có thể bay khoảng cách ngắn từ 50 đến 100m. Chúng phát triển sinh sôi ở những nơi ẩm ướt, tù đọng và chúng cũng có thể sống ở những nơi trong nhà, trường học, nơi làm việc.
Có thể nói, muỗi vằn vô cùng nguy hiểm bởi nó đã gây ra nhiều dịch bệnh gây chết người như: sốt xuất huyết, sốt vàng da và đặc biệt là vi rút Zika gần đây đã gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Một loài muỗi có tính chất nguy hiểm không kém và còn tồn tại với số lượng lớn đó chính là muỗi Anophel.
Điểm khác biệt giữa muỗi Anophel và các loại muỗi khác đó là muỗi Anophel có phần chân dài bằng chiều dài vòi, trên cánh có những vệt đen trắng và chúng thường đậu ở góc 45 độ so với mặt nước. Trứng muỗi Anophel dài khoảng 1mm và có phao ở hai bên. Sau 2 đến 3 ngày, trứng nở thành ấu trùng nằm song song với mặt nước.
Thời gian trứng nở thành một con muỗi trưởng thành mất khoảng 11 đến 13 ngày.
Phần lớn muỗi Anophel thường hoạt động trong khoảng thời gian tờ mờ sáng hoặc chập tối, số ít lại hoạt động về đêm. Có loại muỗi kiếm ăn trong nhà, một số lại tìm đến môi trường bên ngoài. Chúng thích sinh sống trong môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm.
Cũng như muỗi vằn, muỗi Anophel thích ở những chỗ tối, màu sắc tối. Một con muỗi Anophel cái có thể đẻ tới 50 đến 150 trứng sau khi nó hút máu xong.
Muỗi Anophel dirus là nguyên nhân gây bệnh sốt rét vô cùng nguy hiểm. Trước đây, chúng sinh sống trong rừng và lấy máu động vật như khỉ, vượn làm thức ăn sinh sống. Những người đi rừng cũng trở thành “miếng mồi ngon” của chúng và từ đây, bệnh từ động vật đã lây sang con người.
Culex là một chi gồm nhiều loại muỗi được coi là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm tới động vật và con người.
Một con muỗi Culex trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 4 đến 10mm. Cấu tạo muỗi gồm đầu, ngực, bụng được phân chia rõ rệt, hai cánh trước của muỗi nằm ngang trên vùng bụng khi ở trạng thái nghỉ.
Cũng như các loài côn trùng bộ hai cánh, hai cặp cánh sau của muỗi Culex ngắn lại và thu nhỏ khi bay. Muỗi Culex có màu nâu sậm, tối.
Trứng của muỗi Culex màu nâu, dài và có hình trụ. Chúng thường nằm thẳng đứng so với mặt nước và kết thành bè gồm có 300 trứng. Bè có độ dài 3-4mm và độ rộng 2-3mm.
Mất từ 6 đến 10 ngày để trứng muỗi Culex biến thái thành một con muỗi trưởng thành trong điều kiện thời tiết ấm nóng.
Muỗi Culex thường sinh sôi và phát triển ở những vùng nước ngọt: vũng nước, hồ bơi, bể chứa nước… Trứng muỗi Culex chỉ nở trong môi trường nước.
Loài muỗi này thường đốt người vào ban đêm và ở trong nhà cả trước và sau khi hoàn thành “bữa ăn” của mình. Tương tự như các loài muỗi trên, muỗi Culex cũng ưa thích màu tối. Chúng là loài có khả năng bay đường dài.
Những bệnh mà muỗi Culex gây ra có thể là: bệnh sốt tây sông Nile, sốt rét gia cầm và nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản.
Với những thông tin chung nhất về ba loại muỗi phổ biến ở Việt Nam, chắc hẳn các bạn đã có thể nắm được phần nào môi trường sinh sống cũng như cách thức chúng kiếm ăn như thế nào.